Một cây bút có tài Nguyễn_Tư_Giản

Về phương diện sáng tác, Nguyễn Tư Giản thành công hơn ở lĩnh vực thơ ca. Một nội dung rõ nét, đó là tình yêu đất nước, quê hương và đồng bào của ông.GS. Nguyễn Huệ Chi đã có những nhận xét khái quát như sau:

Nguyễn Tư Giản là một nho sĩ luôn lo lắng mặt dân sinh, nên một phần thơ văn của ông đã thể hiện ít nhiều về khía cạnh này. Như trong bài "Họ giả dĩ trị sinh vi tiên luận" (Bàn về việc học giả phải lấy sự lo toan đời sống làm đầu), ông cho rằng kẻ sĩ cũng phải trực tiếp tham gia công việc đồng áng. Ông cũng đề xuất với nhà trường là phải dạy cho người ta cái học “hữu dụng”, đó là cái học kết hợp tri và hành.Ở một số bài khác, ông đã phác họa được cái bóng dáng của người dân lao động, với những nét chân thật, như bài: "Vọng vũ ngâm (Bài ngâm mong mưa), "Hỷ vũ thi" (Thơ mừng mưa), "Hỷ vũ phú" (Phú mừng mưa)...Đối với vấn đề thời cuộc, tuy ông không có được một thái độ dứt khoát như tướng Tôn Thất Thuyết, nhưng ông cũng là một trong số những người theo phái chủ chiến, tin vào tinh thần yêu nước và sức mạnh của nhân dân. Vì vậy, ông đã viết khá nhiều bài thơ văn theo đề tài này, như: "Cửu nguyệt bệnh khởi" (Tháng Chín khỏi ốm trở dậy), "Điếu Phan An chiến trường" (Viếng chiến trường Phan An), "Thị Phan Tử Đan" (Bảo Phan Tử Đan), Tiễn Nguyễn Hy Phần quy Bình Thuận (Tiễn Nguyễn Hy Phần [tức Nguyễn Thông] ra Bình Thuận)...Nhìn chung, thơ văn ông đều viết bằng chữ Hán, lời lẽ điêu luyện nhưng không quá nhiều điển cố, không chơi chữ. Ngòi bút của ông phác thực, giản dị, lạc quan, chứ không nặng trĩu u hoài. Chính vì vậy, thơ ông nghe nhẹ nhàng, không bị gò bó bởi khuôn sáo và ước lệ.

Sau khi phân tích và dẫn chứng, GS. Nguyễn Huệ Chi kết luận:

Nguyễn Tư Giản là một nhà thơ đứng trung gian giữ dòng thơ tự sự và dòng thơ trữ tình, và trên chỗ đứng này, ông đạt được một giá trị đáng kể, đó là sự "bình đạm" [15].